Giỏ hàng của bạn
Có 0 sản phẩm
16-06-2022, 4:50 pm 2561
Đánh giá AMD Ryzen 7 6800U và Intel Core i7-1260P: Đâu là CPU cung cấp sức mạnh cho các dòng Laptop Ultrabook tốt nhất?
Cuộc chiến hạng mục vi xử lý của đội nhà xanh và đỏ chưa bao giờ hết nóng, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây mức nhiệt của trận chiến lại càng tăng cao, gay cấn hơn bao giờ hết. Một bên chạy đua giành lại vị thế, một bên tập trung củng cố ngôi vị, hai đội thay nhau trình làng các chip xử lý mới với hiệu năng mạnh mẽ. Điển hình như Intel Core i5 – 12600K mạnh nhất mọi khía cạnh đối đầu với Ryzen 5 5600X hay ông hoàng “cấu hình” i9 – 12900K cạnh tranh với “trái tim” đầy nội lực AMD Ryzen 9 5950X.
Bên cạnh các dòng CPU cho PC, cỗ máy khủng laptop gaming và máy trạm di động, Intel và AMD còn đua nhau cho ra mắt các dòng chip dành cho những chiếc Ultrabook siêu gọn nhẹ. Bạn không còn phải phân vân giữa hiệu suất và tính di động nữa. Tiêu biểu là Intel Core i7 1260P và AMD Ryzen 7 6800U được trình diện nửa đầu năm 2022 vừa rồi.
Để có cái góc nhìn trọn vẹn hơn, hãy cùng Mega đi sâu hơn tìm hiểu thông số, phân tích điểm chuẩn của hai bộ vi xử lý này nhé!
Vi xử lý dành riêng cho laptop siêu di động
Trước đây, bạn phải tìm đến những bộ PC khủng hoặc laptop quá cỡ để đảm bảo hiệu năng các tác vụ thì ngày nay đã khác. Song hành cùng sự phát triển của dòng máy tính xách tay Ultrabook, các chip vi xử lý cũng được nâng cấp hơn. Đương nhiên các CPU này không thể đặt cùng bàn cân với những dòng chip dành cho máy tính để bàn, thế nhưng sự điều chỉnh cấu trúc sẽ đem đến trải nghiệm tối ưu cho riêng dòng laptop.
Sau khi công bố chip dòng H cho máy tính xách tay tại sự kiện CES 2022, Intel đã tiếp tục ra mắt CPU dòng U và P mới dành cho thiết bị siêu di động như Ultrabook. Trong đó, Intel Core i7 – 1260P là chip tiêu biểu đại diện trên một số hệ thống mỏng nhẹ mạnh mẽ hiện nay dựa trên kiến trúc Alder Lake. Về phía AMD, Ryzen 7 6800U là chip mới nhất và tốt nhất từ dòng Zen 3+ mới của hãng dành riêng cho các dòng siêu di động.
Cả hai vi xử lý này đều hứa hẹn mang đến hàng loạt các cải tiến để gia tăng hiệu suất, tiết kiệm điện năng hơn so với các dòng CPU tiền nhiệm trước đó. Có thể nói, viễn cảnh của năm 2022 đang hấp dẫn, thú vị lên từng ngày. Có lẽ đây sẽ là năm của các thiết bị siêu di động chăng? Liệu có kì vọng nào cho những trải nghiệm trò chơi trên Ultrabook cũng như “nhen nhóm” cuộc cạnh trạnh mới với nhà Apple?
Tầm nhìn mới cho CPU của dòng laptop ultrabook
Cả hai CPU này đều mang đến khả năng đẩy công suất lên vượt 25W, đây là yếu tố mà hầu hết các thiết bị siêu di động ngày nay hướng đến. Trên thực tế, mức TDP mặc định cho Core i7 – 1260P là 28W, trong khi Ryzen 7 6800U được thiết kế vận hành ở phạm vi TDP từ 15 – 28W.
Về thông số kĩ thuật, Ryzen 7 6800U là bộ vi xử lý được trang bị 8 nhân, 16 luồng sử dụng cấu trúc Zen 3+ hỗ trợ siêu phân luồng. CPU có mức xung nhịp cơ bản 2,7 GHz và tăng tối đa lên đến 4,7GHz. Đây là cải tiến mới, đem đến hiệu suất tốt hơn Ryzen 7 5800U tiền nhiệm trước đó. Các tính năng nền tảng mới nhất như bộ nhớ DDR5, PCIe 4, USB4 với tốc độ lên đến 40Gbps, Wifi 6E cũng được hỗ trợ và toàn bộ đều được xây dựng trên nút N6 của tiến trình TSMC 6nm hiện đại. Đi kèm theo đó, 20MB bộ nhớ đệm L2 + L3 được hỗ trợ giúp cho các thao tác được diễn ra nhanh chóng hơn.
Về phía Intel, Core i7 – 1260P là sản phẩm của dòng Alder Lake với bước ngoặc về kiến trúc lai 86x. Ở các bài review trước về các chip CPU dòng H cho máy bàn ta đã bàn về sự kết hợp của nhân hiệu năng P – core và nhân tiết kiệm điện E – core của nhà xanh.
Riêng ở vi xử lý i7 – 1260P có lõi P 4 nhân 8 luồng được thiết kế để tối đa hoá hiệu suất đơn luồng, đồng thời cải thiện khả năng phản hồi giúp tính toán khối lượng các công việc chuyên sâu như chơi game hoặc sáng tạo 3D. Bên cạnh đó, 8 nhân 8 luồng ở lõi E được trang bị chạy song song nhằm mang lại hiệu suất đa luồng mạnh hơn, giảm tải được mức tiêu thị điện năng của các tác vụ nền. Trong đó, P-core sẽ đạt 2,1 GHz ở mức xung nhịp cơ bản và 4,7GHz ở mức tối đa, còn E – core sẽ đạt 1,5GHz ở cơ bản và tăng tối đa được 3,4Ghz. Như vậy, chip xử lý này sẽ được thực thi đồng thời 16 luồng kết hợp với công nghệ Thread Director trên tiến trình Intel 7 (10nm). Ngoài ra, CPU cũng được trang bị thêm 18MB bộ nhớ đệm L3, hỗ trợ đầy đủ bộ nhớ DDR4 và DDR5.
i7 - 1260P kế thừa những ưu điểm từ nhà Intel
Về đồ họa, quay lại với AMD, Ryzen 7 6800U nổi bật với AMD Radeon 680M iGPU sở hữu 12 Compute Unit dựa trên vi kiến trúc RDNA2. So với Radeon Vega 8 iGPUs cũ và Nvidia GeForce MX450, Radeon 680M rõ ràng sẽ đem đến chất lượng tốt hơn, tốc độ nhanh hơn với 2,2GHz ở Turbo Boost. Đây cũng là card đồ họa tích hợp đầu tiên có hỗ trợ Raytracing phần cứng, hiện đang đứng ở vị trí iGPU nhanh nhất vào đầu năm 2022. Theo AMD, Radeon 680M có tính năng tiết kiệm điện năng thông minh, mức tiêu thụ điện tương đối thấp vì vậy đây sẽ là lựa chọn phù hợp cho các dòng ultrabook mỏng nhẹ.
Không như đối thủ, nhà xanh Intel vẫn trung thành với card Intel Iris Xe Graphics 96EU với 1.4GHz phát huy hiệu suất ổn định đối với các dòng laptop nhỏ gọn, hỗ trợ chơi game 1080p 60FPS, xuất hình ảnh đạt 4K đem tới đồ hoạ ấn tượng.
Laptop Asus ZenBook S 13 OLED mới sẽ là sản phẩm thử nghiệm cho Ryzen 7 6800, đây là một chiếc máy tính xách tay siêu mỏng nhẹ, chuyển đổi gọn gàng, trang bị màn hình OLED 12 inch 2880 x 1800 tuyệt đẹp. Laptop chỉ nặng 1kg đồng thời có tích hợp pin 67Wh mang đến thời lượng sử dụng lâu dài. Bổ trợ cho nhà AMD là bộ nhớ LPDDR5-6400 16GB cao cấp và ổ SSD 1TB của nhà Samsung.
Asus Zenbook S là dòng thử nghiệp cho chip Ryzen
Việc tìm kiếm chiếc laptop có chứa “trái tim” Intel Alder Lake P – series thế hệ này khá khó khăn bởi tính khả dụng hạn chế hơn so với các dòng khác. Thực chất i7 - 1260P không phải bộ phận nhanh nhất mà nhà Intel cung cấp ở thời điểm hiện tại, nhưng đây là phần được triển khai phổ biến trên các dòng máy tính xách tay hơn người anh 1280P của mình.
Dell Inspiron 16 5620 sẽ là hệ thống thử nghiệm của chúng tôi với bộ xử lý Intel, laptop sẽ cho phép vi xử lý chạy ở mức công suất 25W đến 28W giống như Ryzen chạy trên Asus. Điều này sẽ cho chúng ta một cơ sở so sánh cân bằng giữa hai bên. Và mặc dù chiếc máy này chỉ sử dụng 16GB bộ nhớ DDR4 – 3200, nhưng đây chính là linh kiện phụ trợ tốt nhất, phù hợp cho bài thử nghiệm ngay bên dưới.
Dell Inspiron là cấu hình thử nghiệm cho chip Intel
Những gì bạn thấy trong các biểu đồ sau đây sẽ là điểm chuẩn so sánh với các CPU máy tính xách tay khác mà chúng tôi cùng thử nghiệm. Đặc biệt bài đánh giá này còn có sự tham dự của cả “khách mời” M1 Pro nổi tiếng nhà táo khuyết.
Trước mắt, chúng ta có 6800U chạy ở công suất dài hạn 25W và 1260P có giới hạn 28W, có nghĩa là cả hai hệ thống đều đang chạy ở hiệu suất hiện có nhanh nhất.
Bài thử nghiệm điểm chuẩn sẽ được trải dài trên các khía cạnh bao gồm: điểm chuẩn năng suất, điểm chuẩn tính toán, hiệu suất chơi game trên iGPU, hiệu suất pin…
Mọi thứ được khởi đầu với Cinebench. Ở bài test đa luồng, ta có thể thấy Ryzen 7 6800U là bộ vi xử lý siêu di động nhanh nhất, với 9695 điểm đã đánh bại 1260P của nhà Intel đến 9%. Tuy nhiên, so với các người anh em cùng nhà là Ryzen 9 5980HS và 6900HS, Ryzen 7 6800U vẫn chưa thể sánh bằng. Nhìn chung, mức tăng của con chip mới này vẫn chưa phải quá cao so với các dòng U tiền nhiệm trước đó của nhà AMD. Và tất nhiên, 6800U lẫn 1260P vẫn bị M1 Pro và i9 – 12900HK bỏ xa.
Điểm chuẩn CineBench ở sức mạnh đa luồng
Điểm chuẩn CineBench ở sức mạnh đơn luồng
Như chúng ta đã thấy ở các bài so sánh các CPU chơi game, Alder Lake có lợi thế về hiệu suất hơn so với Zen 3+ đối với luồng đơn. Lần này cũng vậy, 1260P nhanh hơn 18% so với 6800U, cũng vượt mặt hẳn 6900HS nhà AMD. Đồng thời con chip P này cũng nhanh hơn 13% so với các thế hệ trước của Intel, cụ thể là i7 - 11370H và i7 – 1165G7, chỉ thua mỗi ông hoàng i9 – 12900HK. Ở bảng đơn luồng, M1 – Pro của Apple cũng bị 1260P đánh bại. Có thể thấy, 6800U không tăng nhiều hơn 5800U trong bài test này, 7% không phải là con số đáng chú ý ở mẫu Zen 3+ lần này.
Ryzen 7 6800U đè bẹp đối thủ
Trong Handbrake, Ryzen tiếp tục thống trị bảng xếp hạng, thẳng tiến đánh phủ đầu Intel. Lần này, 6800U nhanh hơn 22% so với 1260P và thực sự đã đè bẹp M1 Pro của táo khuyết. Đây là kết quả tốt cần phải công nhận về lớp năng lượng của AMD.
Tuy nhiên, mức tăng hiệu suất của 6800U so với 5800U chỉ là tối thiểu. Bên cạnh đó, các thứ hạng cuối của Intel cũng là lời khuyên dành cho người đang dùng bộ xử lý thế hệ 11 cần xem xét nâng cấp để tối ưu trải nghiệm.
Thứ hạng 5 và 6 với mức chênh sát sao
Đối với công việc biên dịch mã, Ryzen 7 6800U và Core i7 – 12600P ngang tài ngang sức đáng ngạc nhiên với mức chênh chỉ 0.1 điểm. Dựa trên con số này, chúng tôi nghĩ Intel i7 - 1260P sẽ là lựa chọn 28W nhanh nhất. Và cũng thật đáng thất vọng khi AMD ở bảng này lại không có cải tiến lớn nào so với 5800U trước đó. Trong khi đó, Intel vẫn đang nhận được mức tăng hiệu suất lớn 65% so với các anh em thế hệ trước. Có lẽ nguyên nhân bởi nhà xanh đã nhanh chóng chuyển mình thoát ra khỏi thiết kế lõi tứ cơ bản, thứ không còn phù hợp với các CPU di động cao cấp.
Khoảng cách giữa hai đối thủ Ryzen và Intel không quá lớn
Điểm chuẩn Microsoft Excel trên 6800U có phần nhanh hơn so với 1260P tuy nhiên mức chênh không nhiều. Kết quả này có sự ảnh hưởng ở mức độ nào đó bởi LPDDR5 cao cấp hơn so với DDR4 được trang bị trên CPU nhà Intel. Excel là phần mềm khá nhạy với bộ nhớ và bộ nhớ cache, vì vậy đây sẽ một trong số ít điểm chuẩn mà thiết kế Zen 3+ mới của AMD sẽ nhanh hơn đáng kể so với thế hệ trước. Cụ thể ở bài thử nghiệm lần này cho thấy sự vượt trội hơn 16%. Dù Intel cũng có lợi thế với mức hiệu suất tăng 45%, nhưng ở bảng này vẫn chưa chiếm được vị trí dẫn đầu.
Điểm chuẩn PCMark10
Intel là người chiến thắng rõ ràng trong khối lượng công việc ứng dụng. Có thể thấy hầu như không có hiệu suất tăng đáng kể nào từ 5800U lên 6800U, trong khi i7 1260P có thể làm tốt hơn i7 1165G7 9%. Điều này đã giúp đội xanh dẫn đầu về hiệu suất tổng thể đến 12%. Dẫu sự cách biệt này chưa phải là một kết quả lớn nhưng đủ để ảnh hưởng phần nào nhu cầu người mua.
Công việc nén 7-Zip
Intel đạt được gen-on-gen ở tính năng nén
Tính năng nén 7 – Zip nhìn chung không giúp tăng hiệu suất đáng kể cho cả hai chip xử lý. Trong khi đó đối với giải nén, chỉ có phía Intel đạt được gen-on-gen: 1260P nhanh hơn hẳn 50% so với 1165G7 thế hệ 11. Dù vậy, thật không may cho Intel, đội đỏ đã đi trước rất xa, 6800U vẫn tiếp tục giữ lợi thế về hiệu suất 28% cho công việc giải nén. Có lẽ niềm tự hào của Intel đã đổ dồn về i9 12900HK và i7 12700H!
i7 1260P nhanh hơn ở bảng điểm này
Bộ vi xử lý di động của Intel tiếp tục dẫn đầu trong hạng mục này , mặc dù khoảng cách của cả hai thế hệ đều không đáng kể. Mức chênh so với AMD cũng không lớn, tại đây 1260P nhanh hơn 7% so với 6800U.
Điểm chuẩn Adobe Premiere Pro 2022
Trong Adobe Premiere, sự lựa chọn tốt hơn gọi tên Ryzen 7 6800U nhờ một bước nhảy vọt đáng kể về hiệu suất GPU. Về phần 1260P tuy nhanh hơn so với các đời CPU Intel trước đây về các điểm số phụ như Export nhưng lại không tăng hiệu suất GPU nhiều như Ryzen, đặc biệt là khi kết hợp với bộ nhớ DDR4. Có lẽ điểm số sẽ tốt hơn nhờ bộ nhớ LPDDR5 được sử dụng để phù hợp với máy tính xách tay AMD, nhưng nhìn chung sự khác biệt về GPU thô vẫn đóng một vai trò nào đó.
Intel hoạt động tốt hơn
Đối với khối lượng công việc tăng tốc AI như Gigapixel AI, chip Intel vẫn là sự lựa chọn phù hợp nhờ phần cứng tăng tốc AI hiện đại, thứ mà thế hệ Zen của AMD không tích hợp. i7 – 1260P có thể hoạt động tốt mà không cần có GPU rời, và như chúng ta đã thấy ở thế hệ trước, việc bổ sung thêm GPU Nvidia công suất thấp sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu suất trừ khi bạn tắt nó. 6800U không chiếm được ưu thế bởi chưa có khả năng tăng tốc AI, dù vẫn đánh bại 1165G7 nhưng hiệu suất vẫn chậm hơn 24% so với 1260P.
Đối với chơi game có đồ hoạ tích hợp, người giành ngai vàng rõ ràng sẽ là AMD với 6800U. Trong Gears 5 chạy ở thiết lập 1080p với mức cài đặt trung bình, chip nhà đỏ đã nhanh hơn đáng kể so với các bộ xử lý khác. Với công suất 25W nhưng 6800U đã tự tin đạt 87% so với người anh Ryzen 9 6900HS với 35W.
Core i7 – 1260P dường như đang gặp khó khăn với bộ nhớ DDR4, phải chăng chip xử lý này vốn dĩ sinh ra để “ghép đôi” với DDR5 hoặc LPDDR5?! Thực tế, ngay cả khi có bộ nhứo DDR5 nhanh hơn, Ryzen 7 6800U vẫn có thể đánh bại nó vì chip dòng U này nhanh hơn 18% so với Core i7 – 12700H chạy ở 45W với cấu hình GPU tương tự 1260P.
Người chiến thắng là Ryzen 7 6800U
Điểm chuẩn tựa Resident Evil 2
Trong Resident Evil 2, 6800U cũng hoạt động rất tốt, đè bẹp 1260P với bộ nhớ DDR4 và vượt trội hơn các dòng H – series của Intel với bộ nhớ DDR5 tới 16% mặc dù mức tiêu thụ điên năng rất thấp. Dẫu rằng loại chip siêu di động này vẫn còn cách xa nhiều so với hệ thống chơi game cấp thấp với RTX 3050, nhưng các điểm hiệu suất đưa ra trên đây đều có khả năng đáp ứng được các tựa game.
Ryzen chiếm ưu thế vượt bậc
Đối với một trò chơi yêu cầu cả sức mạnh của CPU và GPU, ta có thể thấy 6800U đang làm rất tốt ở tựa Age of Empires IV hoạt động ở cài đặt trung bình mức 1080p. Một lần nữa, AMD khẳng đinh vị thế vững chắc của mình khi vượt nhanh hơn các con chip dòng H của Intel. Nhưng nhà xanh không hẳn là thua cuộc, đây cũng là tựa game khá lý tưởng cho card đồ hoạ tích hợp Iris Xe Graphics trong trường hợp bạn giảm cài đặt một chút.
6800U có sự phát triển vượt trội so với 5800U
Trong Rainbow Six Siege, Ryzen 7 6800U là một lựa chọn tuyệt vời nếu xét về iGPU đem đến hiệu suất ấn tượng so với một chiếc máy tính xách tay mỏng và nhẹ chỉ 13inch. So với 5800U của năm ngoái, con chip mới này đã có sự vượt bậc lên đến 72%. Bên cạnh đó, AMD cũng dẫn đầu 21% về tuỳ chọn iGPU Alder Lake tốt nhất của Intel.
Điểm chuẩn game Watch Dogs Leigion
Cuối cùng, trong Watch Dogs Legion, Ryzen lại tiếp tục chiếm ưu thế khi nhanh hơn 28% so với chip 12900HK với mức thiết lập 1080p ở mức thiết lập thấp.
Các bảng dữ liệu dưới đây sẽ là một phần ban đầu trong bộ các bài kiểm tra tuổi thọ pin cho máy tính xách tay. Chúng tôi đang sử dụng điểm chuẩn thời lượng pin của PCMark 10 chạy trên cả hai hệ thống, đồng thời sử dụng chế độ nguồn “hiệu quả tốt nhất” trong Windows 11 có bật Wifi và độ sáng màn hình 200 nits.
Đánh giá tuổi thọ pin
Các con số từ bài test này cho thấy ZenBook S 12 OLED mang chip Ryzen 7 6800U có thời lượng pin tốt hơn nhiều so với Inspiron 12 5620. Zenbook mặc dù có thiết kế nhỏ hơn nhưng lại có pin lớn hơn. Khi chúng tôi chuẩn hoá kết quả để tính đến sự khác biệt về kích thước pin đã tiện ghi nhận kết quả chip Ryzen mang đến thời lượng pin dài hơn 13% trên Wh trong thử nghiệm này. Con số này được tính kết hợp giữa công việc năng suất nhẹ và thời gian nghỉ.
Về cơ bản, Ryzen 7 6800U có hiệu suất tăng không đáng kể so với các thế hệ trước, có lẽ bởi vì Zen 3+ không cung cấp nhiều thêm ngoài việc tăng tần số nhỏ. Việc bạn nâng cấp lên bộ nhớ DDR5 có thể mang lại lợi ích tùy thuộc vào khối lượng công việc, nhưng hầu hết thì không. Điều này sẽ đáp ứng được một số trò chơi hiện đại, dẫu ở mức cài đặt thấp.
Ryzen 7 6800U nhà AMD
Hiệu suất CPU sẽ phụ thuộc vào hoạt động của máy tính. Mặc dù kế thừa những ưu thế lớn từ nhà Intel và tăng 50% so với thế hệ Tiger Lake, nhưng Ryzen 7 6800U nhà AMD vẫn là phần nhanh hơn với khối lượng công việc đa luồng. Vì vậy, nếu bạn đang muốn chạy các ứng dụng nặng hơn, Ryzen sẽ là chip phù hợp hơn. Tuy nhiên, i7 – 1260P lại có hiệu suất đơn luồng mạnh hơn và điều đó sẽ giúp ích cho một số ứng dụng thường hay sử dụng trên máy tính xách tay như Microsoft Office hay Photoshop. Bộ nhớ DDR4 của chip Intel không phải là một linh kiện bổ trợ tốt nếu bạn muốn sử dụng iGPU để chiến game.
i7 - 1260P phù hợp cho các tác vụ Office
Về phần GPU, dù là nhu cầu chơi game hay năng suất tăng tốc GPU, Ryzen vẫn nắm chắc phần thắng với RDNA2 mới đầy ấn tượng, mang lại hiệu suất nhanh hơn 50% so với dòng Ryzen 5000 trước đó. GPU này tự tin đánh bại GPU Alder Lake tốt nhất được trang bị trong các con chip dòng H với 45W, dù Ryzen chỉ chạy công suất 25W.
Nhìn chung, đây là một so sánh thú vị giữa AMD Ryzen 7 6800U và Intel Core i7-1260P, mỗi bên đều có điểm nổi trội cũng như song hành vài điểm yếu riêng. Thực chất, đã có giai đoạn xuất hiện CPU chiến thắng toàn bảng trên thị trường máy tính xách tay, nhưng năm 2022 thì không phải vậy! Cách bạn sử dụng laptop di động của mình sẽ ảnh hưởng đến kết quả con chip nào mạnh mẽ hơn. Bạn cần quyết định không chỉ dựa trên CPU mà còn dựa trên thương hiệu, kiểu máy, các tính năng khác như chất lượng hiển thị…
Trên đây là đánh giá chi tiết về hai bộ vi xử lý đến nhà xanh Intel và đỏ AMD. Hi vọng những thông này sẽ giúp bạn có góc nhìn cụ thể, rõ ràng hơn về những chiến binh CPU thế hệ mới này!
Xem thêm >>>
Review AMD 7 5800X3D: Dòng CPU chơi game bậc nhất của AMD
Review CPU Intel Core i7-12700K
Review AMD Ryzen 5 5600X - CPU tầm trung tuyệt vời dành cho game thủ
copyright © mega.com.vn